CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI
Địa chỉ: Phòng 310- A1, Trường Đại học Giao thông Vận tải
Điện thoại: (024).37660399
Chủ tịch Công đoàn: Th.S Phạm Tiến Dũng
Website:
Năm 1960 Bộ Giao thông vận tải và bưu điện thành lập Ban xây dựng Trường ĐH Giao thông và Bưu điện. Mặc dù chưa cơ quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc thành lập trường, nhưng Ban lãnh đạo lúc đó được sự chấp thuận của Bộ chủ quản đã có hai quyết định quan trọng, đó là: Chiêu sinh Đại học khoá I từ tháng 1 năm 1961 và thành lập Công đoàn cơ sở
Đại hội Công đoàn trường lần thứ nhất là Đại hội toàn thể vì số CB-GV của trường mới có hơn 30 người. Đại hội tiến hành đúng ngày Quốc tế Hiến chương nhà giáo 20-11-1961. Chủ tịch Công đoàn trường đầu tiên là đồng chí Lê Quí An (sau này có thời gian là Hiệu trưởng nhà trường).
Ngày 24-03-1962, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường Đại học Giao thông vận tải (ở thời điểm này Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đã được tách thành hai đơn vị độc lập là Bộ GTVT và Tổng cục Bưu điện). Số Đoàn viên công đoàn của trường đã tăng lên đến hơn 500 người. Trong giai đoạn 1965 đến 1971, nhà trường phải đi sơ tán để bảo toàn con người, cơ sở vật chất, đồng thời phải tiếp tục đào tạo cán bộ kỹ thuật cung cấp cho chiến trường và các công trường, xí nghiệp. Công đoàn trường đã giữ vững vai trò cực kì quan trọng trong việc động viên người lao động ở hậu phương hăng hái tham gia phong trào thi đua “hai tốt”, phong trào xây dựng “ Đơn vị lao động xã hộ chủ nghĩa” cổ vũ tinh thần các Đoàn viên, người thân trong gia đình Đoàn viên lên đường tòng quân, đánh giặc. Công đoàn đã cùng với các cấp chính quyền trong nhà trường chung vai, sát cánh vượt qua nhiều khó khăn, lo cho đoàn viên từng cân gạo, cân thịt, miếng vải, viên thuốc,…, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ở nơi sơ tán, giúp Cán bộ –Giáo viên yên tâm công tác.
Từ năm 1975 đến nay, cùng với sự đổi mới của đất nước, ngành Giáo dục- Đào tạo cũng đã có những chuyển biến cơ bản, số lượng các trường ĐH- CĐ tăng lên nhanh chóng, qui mô đào tạo, ngành nghề đào tạo, địa bàn đào tạo mở rộng nhiều. Công đoàn trường ĐH GTVT đã nắm vững nội dung các chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng và Nhà nước để vận dụng vào công tác tập hợp, giáo dục, động viên Đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Công đoàn và chính quyền đã giải quyết thành công việc bố trí chỗ ở cho CB-GV, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch nhà trường. Đời sống CB-GV ngày một cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở Trường, lớp, phòng thí nghiệm, …được nâng cấp, xây mới và bổ sung thường xuyên. Đoàn viên đã tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội như: Xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ giáo dục miền núi, hiến máu nhân đạo, giúp đỡ đồng bào bị vùng thiên tai, … Các quyền lợi về vật chất và tinh thần của Đoàn viên được đảm bảo bằng các qui định, quy chế của ngành cũng như các quy chế nội bộ do công đoàn và chính quyền soạn thảo và ban hành.
Từ 01-10-2004, Công đoàn trường ĐH GTVT chuyển về trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt nam. Hiện nay Công đoàn trường ĐH GTVT có 840 đoàn viên (trong đó cố 295 nữ ) sinh hoạt trong 28 Công đoàn bộ phận và Tổ công đoàn trực thuộc. Ban Chấp hành công đoàn có 15 đồng chí (5 nữ), tất cả các đồng chí Uỷ viên đều có trình độ từ đại học trở lên, Chủ tịch Công đoàn đương nhiệm là đồng chí Phạm Mạnh Cường.
Trong 45 năm qua, Công đoàn trường đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đã thực sự giành được sự tin yêu của quần chúng lao động, đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào mọi mặt hoạt động của nhà trường; cùng với nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, Liên đoàn Lao động Hà Nội cho các cá nhân và tập thể, Công đoàn trường đã vinh dự được Nhà nước trao tặng hai Huân chương Lao động hạng Ba (1999) và hạng Nhì (2004).
Bên Trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong hoạt động Công đoàn tại Đại hội lần thứ XXV