Tăng cường hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ngày 22/8/2023 Trường Đại học GTVT phối hợp với Sở KHCN, Sở GTVT Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy định hướng một số nhiệm vụ KHCN cấp thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo cho lĩnh vực GTVT”
Các đại biểu tham gia chụp ảnh lưu niệm
Đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt để kỉ niệm hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các bên từ năm 2019.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ông Đỗ Việt Hải – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban của 2 Sở.
Về phía trường Đại học GTVT, có PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Hoài Đức – Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban chức năng liên quan. Chương trình cũng vinh dự có sự tham gia của các giáo sư đầu ngành GTVT hiện đang công tác tại Trường Đại học GTVT như GS.TS Phạm Huy Khang, GS.TS Trần Đức Nhiệm, GS.TS Phạm Văn Ký, GS.TS Bùi Xuân Cậy, GS.TS Từ Sỹ Sùa, GS.TS. Đỗ Đức Tuấn, PGS.TS Nguyễn Duy Việt, TS. Trần Hữu Minh (Chánh VP UB ATGT Quốc gia)… cùng các nhà khoa học quan tâm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội đặt vấn đề: “Các đề tài KHCN cấp thành phố sắp tới sẽ đặt hàng dựa trên căn cứ thực tiễn, nhu cầu phát triển của Thành phố, ngay từ khi xây dựng đề cương thực hiện cần làm rõ địa chỉ ứng dụng, đơn vị quản lý nhà nước nào sẽ phối hợp hỗ trợ ứng dụng? Trường Đại học GTVT là đối tác chiến lược, cung cấp các nhà khoa học có năng lực, uy tín, thực hiện các đề tài KHCN cấp thành phố từ năm 2018; cho đến năm 2019, Trường và Sở đã thực hiện kí kết hợp tác đề phía Trường đề xuất giải pháp, góp ý xây dựng các cơ chế chính sách, phản biện các nhiệm vụ KHCN và cùng phối hợp ứng dụng các sản phẩm KHCN vào thực tiễn Hà Nội. Các đề xuất triển khai đến năm 2030 cần có sự hỗ trợ về mặt khoa học từ Trường ĐH GTVT để các đề xuất có tính khả thi, phù hợp với nhu cầu cấp bách của Thành phố. Thay vì đề xuất từ phía các Cơ quan Quản lý Nhà nước sẽ mang tính chủ quan, sắp đặt, chưa đủ hàm lượng khoa học.”
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội phát biểu
Đại diện phía Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở phát biểu: “Trường Đại học GTVT là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có bề dày lịch sử, truyền thống. Những năm vừa qua, Sở GTVT đã kết hợp cùng Trường thực hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm của Thành phố như kiểm định công trình cầu lớn, kiểm định, duy tu và sửa chữa nhiều tuyến đường huyết mạch, tổ chức giao thông tại các nút giao thông đặc biệt… Nhận thấy vai trò quan trọng của NCKH trong ngành GTVT, tuy nhiên còn nhiều khó khăn trong cơ chế chính sách, vì vậy, trong thời gian tới, Sở GTVT rất mong được sự quan tâm từ Sở KHCN Hà Nội, chú trọng nguồn lực cho NCKH trong GTVT, kết hợp với các nhà khoa học uy tín, nhiệt huyết và nhiều kinh nghiệm từ Trường ĐH GTVT, các sản phẩm khoa học sẽ có tính ứng dụng cao và giải quyết được các vấn đề nhức nhối, cấp bách còn tồn tại trong GTVT của Tp Hà Nội. Trường ĐH GTVT là đơn vị đào tạo, giáo dục truyền thông, hằng năm cung cấp một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các Sở ban ngành tại Thành phố.
Ông Nguyễn Phi Thường – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phát biểu
Đáp lại sự quan tâm, tính nhiệm của lãnh đạo 2 Sở, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: “Trường ĐH GTVT là cơ sở đào tạo, NCKH và CGCN hàng đầu trong ngành GTVT, hiện đang đặt cơ sở tại địa bàn Thành phố Hà Nội, vì vậy, phía Trường nhận thấy cần có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển chung của toàn Thành phố. Trường Đại học GTVT đã thực hiện tổng số 07 đề tài cấp Thành phố thuộc Chương trình 01C-04, các đề tài đã được nghiệm thu với đánh giá từ Khá đến Xuất sắc, tuy nhiên, số lượng và kinh phí thực hiện còn khiêm tốn, mang tính “đơn chiếc”, khiến các đề tài chưa mang tính liên tục, các sản phẩm chưa đến được với ứng dụng thực tế, nguồn chất xám đến từ các nhà khoa học vẫn chưa được tận dụng triệt để. Định hướng trong thời gian tới, Trường ĐH GTVT sẽ tiếp nhận các vấn đề còn tồn động cần phải được nghiên cứu, xử lý từ phía Sở GTVT, sau đó chỉnh sửa, góp ý và đề xuất đến Sở KHCN Hà Nội để các đề xuất sắp tới đi đúng vào thực tiễn, mang hàm lượng khoa học cao, giải quyết được đúng vấn đề nhức nhối mà Lãnh đạo và nhân dân Thành phố quan tâm. Cùng với đó, đề xuất với Sở GTVT đặt thêm đầu bài, yêu cầu cho nguồn nhân lực kế cận, để Trường làm cơ sở trong đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng và phù hợp với đặc thù Hà Nội.”
PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Nhằm khắc phục các hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện các đề tài KHCN cấp Thành phố, GS.TS Đỗ Đức Tuấn cho rằng: “Với các nhà khoa học, thủ tục hành chính là vấn đề bức xúc khi thực hiện các đề tài khoa học. Do đặc thù cơ chế chính sách còn chưa ủng hộ các nhà khoa học, việc thực hiện đề tài KHCN còn vướng mắc rất nhiều về thủ tục hành chính, khiến các nhà khoa học dễ nhụt chí khi thực hiện. Việc kết hợp với các Sở Ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước còn khó khăn khi thực hiện ứng dụng sản phẩm KHCN vào thực tế địa bàn Thành phố”.
GS.TS Đỗ Đức Tuấn – Khoa Cơ khí, Trường Đại học GTVT phát biểu
Ủng hộ ý kiến trên, GS.TS Trần Đức Nhiệm đề xuất: “Các vấn đề cấp bách, các tồn tại mang tính thời sự của Hà Nội cần có cơ chế riêng của Thành phố để thực hiện nghiên cứu một cách gấp rút, nghiêm túc và được liên kết, phối hợp giữa nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, vạch ra các giải pháp, cách tiếp cận khác của vấn đề để giải quyết triệt để tồn đọng thay vì giải quyết mang tính tạm thời, làm hao phí nguồn lực của Thành phố.
GS.TS Trần Đức Nhiệm – Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT phát biểu
Bên cạnh các ý kiến nêu trên, GS.TS Phạm Huy Khang cho rằng: “Hiện nay các đề tài KHCN đã được nghiệm thu với kết quả rất tốt. Tuy nhiên, chưa có thống kê các sản phẩm khoa học đã hay chưa được ứng dụng vào Thành phố. Các sản phẩm này được thực hiện thương mại hóa hay chưa, các cơ quan quản lý nhà nước có đề xuất chủ trương hay cơ chế gì để thương mại hóa các sản phẩm KHCN. Điều đó giúp cho NCKH đi vào đúng thực chất, các nhà khoa học có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho Thủ đô, các cơ quan quản lý sử dụng được hiệu quả nguồn ngân sách để giải quyết được bài toán nhức nhối hiện còn tồn tại ở Thành phố một cách thỏa đáng nhất.
GS.TS Phạm Huy Khang – Khoa Công trình, Trường Đại học GTVT phát biểu
Phát biểu kết luận và bế mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Sơn – Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cảm ơn, chia sẻ, ghi nhận sự quan tâm và đóng góp của Nhà Trường cho sự phát triển chung của Thủ đô nói chung, cho ngành GTVT nói riêng. Ông cho rằng định hướng phát triển kinh tế - xã hội, GTVT tới đây còn nhiều vấn đề để nghiên cứu thêm cần phải nhờ sự giúp đỡ từ các chuyên gia phía Trường Đại học GTVT. Vì vậy, cần xin ý kiến các nhà khoa học của Trường, đưa ra các đề xuất đề phù hợp với điều kiện địa bàn TP. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ với những khó khăn của các nhà khoa học trong quá trình chuyển giao công nghệ, vướng mắc về cơ chế trong thủ tục hồ sơ hành chính khi thực hiện đề tài, đồng hành với các nhà khoa học để tháo gỡ từng bước khó khăn. Định hướng trong thời gian tới, Sở KHCN đề xuất chủ trương tách biệt công việc nghiên cứu với việc ứng dụng sản phẩm vào thực tế, các nhà khoa học từ phía Trường chỉ thực hiện hoạt động nghiên cứu, còn việc thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ cần có đơn vị Quản lý nhà nước đứng ra thực hiện, hỗ trợ ứng dụng vào thực tế Hà Nội, tập trung vào các mục tiêu chính như phát triển giao thông tĩnh, quản lý và khai thác không gian ngầm, quy hoạch phát triển nội đô, triển khai Luật Thủ đô,…
Phòng HTQT&NCPT