Ngày 8/12/2023, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Trường Đại học GTVT đã ký kết thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực đường sắt và đường sắt đô thị.
Lãnh đạo TEDI và Trường Đại học GTVT ký kết hợp tác đào tạo nhân lực lĩnh vực đường sắt và đường sắt tốc độ cao
Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI cho biết, đường sắt Việt Nam có lịch sử hơn 100 năm, với tổng chiều dài hơn 3.143km, từng góp vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước những năm 1980 - 2005.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị phần vận tải đường sắt giảm sút do không cạnh tranh được với phương thức vận tải khác. Theo thống kê năm 2022, thị phần luân chuyển hành khách chiếm 29,2%, hàng hóa 7,5%, giảm xuống 1,02% (hành khách) và 0,94% (hàng hóa).
Ở các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, mặc dù quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị từ lâu, nhưng kết quả đạt được còn rất khiêm tốn.
Trong đó, Hà Nội quy hoạch gồm 10 tuyến, tổng chiều dài 418km, song, hiện tại mới triển khai được 2 tuyến với chiều dài khoảng 25km (chiếm khoảng 6%). Ở TP.HCM triển khai được 1 tuyến dài 19,7km trong tổng số 8 tuyến quy hoạch (dài 220km), đạt tỷ lệ 9%.
Theo ông Sơn, xây dựng đường sắt là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của đất nước. Đặc biệt, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hình thành sẽ tăng cường kết nối các vùng, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; Tái cấu trúc đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Giảm TNGT…
Nhằm phát triển hơn nữa mạng lưới, tận dụng thế mạnh của đường sắt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 178 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Để chuẩn bị nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trên, TEDI xác định để nguồn nhân lực đường sắt được xây dựng nhanh nhất, hiệu quả nhất là phối hợp với Trường đại học GTVT tổ chức đào tạo bổ sung kiến thức đường sắt tại chỗ cho các cán bộ, kỹ sư ngành đường bộ của TEDI", ông Sơn nói.
Chia sẻ tại lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, giao thông vận tải đường sắt Việt Nam có lịch sử lâu đời với trên 140 năm hình thành và phát triển. Đến nay, hạ tầng đường sắt nhiều nơi đã xuống cấp thiếu an toàn.
Tuy nhiên, đường sắt vẫn là loại hình giao thông mang nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực và tốc độ vận chuyển trên cự ly trung bình và dài, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với chương trình hợp tác được ký kết, Trường Đại học GTVT và TEDI sẽ cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm về đào tạo; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tham gia các dự án tư vấn, khảo sát thiết kế để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho cả lĩnh vực đường sắt và đường sắt đô thị.
Trong khuôn khổ chương trình, TEDI đã trao tặng Quỹ học bổng truyền thống sinh viên của Trường Đại học GTVT 100 triệu đồng
Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị gồm 6 nội dung chính: Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; Nghiên cứu khoa học, chuyên giao công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học; Triển khai, thực hiện dự án; Nghiên cứu soạn thảo tiêu chuẩn kỹ thuật ngành đường sắt và đường sắt đô thị; Trao đổi thông tin, phối hợp trao đổi quảng bá và giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Ngay sau lễ ký kết, lễ khai giảng hai lớp đào tạo cho gần 80 cán bộ, kỹ sư TEDI, gồm: Lớp kỹ sư xây dựng đường sắt khóa 27 và Lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu ngành đường sắt cũng đã diễn ra.