Tham dự về phía khách mời có Ông Lê Văn Dương, Vụ Trưởng – Vụ KHCN&MT, Bộ Giao thông vận tải (GTVT); GS. TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện một số Viện, Trường thuộc Bộ GDĐT và Bộ GTVT; đại diện các sở KHCN, Sở GTVT, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp quan hệ hợp tác, trao đổi với Nhà trường; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đến dự và đưa tin về hội nghị.
Về phía Trường ĐHGTVT có sự tham dự chủ trì và chỉ đạo Hội nghị của Phó Bí thư Đảng uỷ - Hiệu trưởng Nhà trường – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Long; Chủ tịch Hội đồng Trường – PGS.TS – Nguyễn Văn Long; Phó Hiệu trưởng Nhà trường – PGS.TS. Lê Hoài Đức cùng với các nhà khoa học, giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải.
PGS.TS. Lê Hoài Đức – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng Hội nghị
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Hiệu trưởng - PGS.TS. Lê Hoài Đức nêu bật vai trò KH&CN là hoạt động không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, phát huy sáng kiến và các hoạt động sáng tạo khác. Các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về đổi mới sáng tạo đồng thời tạo ra các sản phẩm trí tuệ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của các ngành, các địa phương. Với việc tổ chức định kỳ 5 năm 2 lần, Hội nghị là dịp để Trường ĐHGVT ghi nhận, tổng kết các thành tựu chính về KHCN giai đoạn 2020-2022 cũng như là cơ hội để khen thưởng các cá nhân và đơn vị có thành tích cao về KHCN trong giai đoạn này.
Các quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các nhà giáo, các nhà khoa học đã dành thời gian nghe giới thiệu các sản phẩm KHCN tiêu biểu được trưng bày bên ngoài Hội trường cũng như theo dõi phóng sự tổng kết hoạt động KHCN của Trường trong giai đoạn 2020 – 2022 trong Hội nghị. Giai đoạn vừa qua, Trường có sự tăng trưởng nổi bật về số lượng và tổng kinh phí các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia và cấp Bộ mà Trường được giao chủ trì so với các năm trước đó và tiếp tục có sự đa dạng trong các nguồn kinh phí. Ngoài nguồn kinh phí từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà Trường cũng được giao chủ trì các nhiệm vụ KHCN được cấp kinh phí từ Bộ KHCN, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, ... Số lượng đề tài NCKH cấp trường và cấp trường trọng điểm có tốc độ tăng trưởng đáng kể về số lượng so với giai đoạn trước. Trường cũng đã tổ chức nghiệm thu được 02 đề tài trọng điểm của năm 2019 và 05 đề tài trọng điểm năm 2020. Sản phẩm chính của các đề tài đều là bài báo quốc tế có uy tín hoặc bằng độc quyền sáng chế. Từ năm 2020 đến 2022 đã có 12 hồ sơ xin cấp sở hữu trí tuệ được chấp nhận đơn hợp lệ, 04 hồ sơ được cấp bằng bảo hộ. Trong hai năm học 2020-2021 và 2021-2022 các CBGV của Trường đã công bố được 275 bài báo thuộc danh mục Web of Science và 87 bài báo thuộc danh mục Scopus, ghi nhận một sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng công bố quốc tế. Tạp chí KH GTVT đã xuất bản online được 23 số (mỗi năm có 6 số tiếng Việt và 3 số tiếng Anh) và được chấp nhận vào danh mục ACI từ tháng 10/2021. Từ năm 2022 các tạp chí của trường đã tiếp tục được nâng điểm đáng kể trong số các tạp chí tính điểm của HĐGSNN, trong đó Tạp chí Khoa học GTVT được nâng lên tối đa 1,25 điểm trong Hội đồng GS ngành GTVT và tối đa 1 điểm trong Hội đồng GS ngành Cơ học
Năm 2020-2022 tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Trường đã có nhiều cố gắng trong hoạt động trao đổi khoa học, phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu, tổ chức các hội nghị hội thảo khoa học trong nước và quốc tế và đã thu được những thành quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện hoạt động KHCN của trường cũng như của ngành GTVT.
Các vị đại biểu, khách quý cùng Lãnh đạo Nhà trường tham quan và nghe các nhà khoa học thuyết minh các sản phẩm KHCN của Nhà trường
Phát biểu trong Hội nghị, TS Lê Văn Dương – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT – Bộ GTVT biểu dương và đánh giá cao về các sản phẩm, kết quả KHCN của Trường trong thời gian qua. Các sản phẩm KHCN không những đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng đào tạo giúp tăng thứ hạng xếp hạng đại học cho Trường ĐHGTVT mà còn đóng góp trực tiếp vào công tác quản lý và giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra của ngành GTVT và của đất nước. Định hướng nghiên cứu KHCN của Trường cũng được tập trung để đáp ứng nhu cầu phát triển, phù hợp với chiến lược của ngành GTVT. Đặc biệt các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng đường bộ, nghiên cứu các thiết bị và vật liệu đáp ứng các vấn đề cấp bách như nội địa hóa máy móc, thiết bị xây dựng, vật liệu xây dựng để giúp giảm giá thành so với nhập khẩu; ứng dụng các giải pháp tự động hóa điều khiển, giám sát trong giao thông; giải pháp kết cấu và vật liệu cho các công trình vùng biển và hải đảo ….
Báo cáo tham luận của GS. TSKH Trần Văn Nhung với tựa đề “Một vài suy nghĩ về hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng ở các trường đại học nước ta” ngoài việc phân tích, nhìn nhận những yếu tố chủ quan, khách quan cũng như những thuận lợi, khó khăn của các trường đại học trong hoạt động phát triển KH&CN đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Bên cạnh đó GS cũng đã nêu những trăn trở về việc chưa có nhiều sản phẩm KHCN được “thương mại hoá”, chiếm lĩnh thị trường, mang lại nguồn thu ổn định và chưa thực sự là động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
GS – TSKH Trần Văn Nhung phát biểu tham luận tại Hội nghị
Nhà trường cũng đã ghi nhận và quyết định khen thưởng, tặng bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2020-2022
PGS. TS. Nguyễn Văn Long trao QĐ khen thưởng cho các đơn vị có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2020-2022
PGS. TS. Lê Hoài Đức trao QĐ khen thưởng cho các cá nhân có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2020-2022
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Hiệu trưởng - PGS.TS Lê Hoài Đức nhấn mạnh với truyền thống hơn 75 năm xây dựng và trưởng thành, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KH hàng đầu trong lĩnh vực GTVT của cả nước, Trường ĐH GTVT tiếp tục phấn đấu trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về KHCN trong lĩnh vực GTVT. Để thực hiện mục tiêu này, Nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện, triển khai 4 giải pháp trọng tâm, trong đó có việc xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ chế cho phép phát triển các nhóm nghiên cứu khoa học có triển vọng lên thành các trung tâm khoa học - công nghệ có khả năng độc lập, chủ động thực hiện các dịch vụ khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tăng cường phối hợp với các viện, công ty, tổ chức để nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa học - công nghệ có chất lượng đột phá, tạo thương hiệu cho Trường...